Tin sinh viên

Nữ giảng viên trẻ và áp lực khi đối diện với những bệnh nhân nguy kịch

Hạnh phúc khi được “cứu người”

Giữa tâm dịch Covid-19, rất nhiều y, bác sỹ, nhân viên y tế, sinh viên ngành y xung phong lên tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sự an toàn cho người dân, đất nước được tuyên dương về sự hi sinh, lòng dũng cảm.

Thế nhưng, cũng có những y, bác sỹ, nhân viên ngành y phân công bám trụ lại hậu phương để tiếp tục những công việc hàng ngày. Họ là những người đang làm công việc thay cho cả phần những người lên đường chi viện.

Họ cũng là những người ở lại để giảng dạy, đào tạo sinh viên để tiếp viện, chuẩn bị sức người, nhân lực cho ngành y tế nước nhà.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Thị Ly, thủ khoa đầu ra ngành Điều dưỡng năm 2020 Đại học Y Dược Thái Nguyên, hiện đang là giảng viên thực hành khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Đại Nam cho biết: “Học sinh, sinh viên hay những người theo đuổi ngành y đều phải thực sự yêu thích và tâm huyết với nghề.

Em theo đuổi nghề y từ rất sớm. Khi ý thức được cứu người là công việc mang lại niềm hạnh phúc cho những người công tác trong ngành y thì em xác định đam mê và thực hiện đam mê đến cùng”.

Nguyễn Thị Ly, thủ khoa đầu ra ngành Điều dưỡng năm 2019-2020, Đại học Y Dược Thái Nguyên. Hiện Ly đang là giảng viên thực hành khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Đại Nam. (Ảnh NVCC)

Theo Ly, ngành y học rất khó, thời gian theo học nhiều hơn so với các ngành học thông thường và việc thực hành các môn học cũng được triển khai từ rất sớm.

Không chỉ học cả ngày mà sinh viên ngành y còn phải trực đêm tại bệnh viện để nâng cao kiến thức thực hành.

“Có những ngày nghỉ lễ, mọi người được đi chơi, sum họp với bạn bè, gia đình thì chúng em lại trực đêm tại bệnh viện. Công việc ngành y thì không kể thời tiết, nắng mưa, gió rét hay như thế nào, có người cần cứu thì chúng em luôn túc trực để phục vụ người dân.

Học tập, thực hành khi còn là những sinh viên ngành y thì chúng em mới thấm được sự vất vả của những y, bác sỹ, nhân viên y tế và từ đó em càng thêm quyết tâm theo đuổi con đường em đã lựa chọn”, Ly chia sẻ.

Ly tâm sự, đối với người làm nghề y, hạnh phúc nhất là chữa được bệnh, cứu người bệnh qua cơn nguy kịch. Mỗi lần như vậy Ly cảm thấy mình vừa hoàn thành được trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Tham gia vào việc cứu một người bệnh vừa là sứ mệnh, là trách nhiệm cũng là cơ hội để những người công tác, học tập trong ngành y được vững tâm và tay nghề được nâng cao hơn.

“Đối với em, vất vả nhất là đứng trước những bệnh nhân nguy kịch. Lúc đó, mạng sống của người bệnh rất mong manh và hi vọng của người bệnh, người nhà bệnh nhân rất lớn. Những lúc đó, bản thân em vừa sợ, vừa quyết tâm cố gắng hết mình. Sợ điều không mong muốn xảy ra nhưng đó cũng là động lực để chúng em có thể cố gắng hết sức mình cứu chữa người bệnh”, Ly nói.

Mình phải khỏe thì mới có thể chăm sóc tốt bệnh nhân

Việc thực hiện một một ước mơ thì luôn cần có động lực theo đuổi, với Nguyễn Thị Ly, động lực đó chính là người bệnh.

Theo Ly, muốn yêu nghề y thì công tác bất cứ vị trí nào trong ngành cũng phải đặt người bệnh là quan trọng nhất và lên hàng đầu.

“Ngành của em theo học và làm việc là Điều dưỡng. Chính vì vậy em luôn quan niệm xem người bệnh như chính người nhà, luôn đặt vị trí người bệnh để biết họ cần gì từ một người điều dưỡng viên.

Có như vậy, mới chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất và mang lại hiệu quả trong việc chữa bệnh cao nhất. Và hiện tại công việc giảng dạy của em luôn cố gắng truyền đạt những tâm huyết đó cho học trò của mình”, Ly cho hay.

Ngành y là ngành học đòi hỏi sự cần cù, kiên nhẫn và kiến thức bồi đắp từng ngày, từng giờ về cả kiến thức lẫn thực hành vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người.

Ngoài ra, đây là ngành học mà kiến thức mới cập nhật liên tục với số lượng nhiều vô kể. Thi cử, thực hành, cập nhật kiến thức, thời gian… là những áp lực mà nhân sự và sinh viên ngành y đều phải trải qua.

Ly cho rằng: “Ngành của chúng em cũng được xem là một ngành đặc thù và sẽ có những áp lực riêng. Tuy nhiên, bất cứ ai đã theo học ngành này thì đều vì đam mê mà theo đuổi nên chặng đường có vất vả hơn nữa thì chúng em cũng rất vui vì ước mơ đang được thực hiện hàng ngày”.

Bản thân phải khỏe thì mới chăm lo được cho người khác, đó cũng là quan niệm sống của Nguyễn Thị Ly. Rèn luyện sức khỏe, thể chất và tinh thần thật tốt thì mới có đủ khả năng căn bản để chăm sóc cho người bệnh.

Ly thường dành buổi sáng sớm hoặc buổi chiều sau khi đi học, đi dạy về để tập thể dục, tập các bài aerobic tại phòng. Bất cứ có thời gian rảnh thì Ly đi lại để đầu óc đỡ căng thẳng và đó cũng là cách giúp cơ thể thư giãn.

Ăn uống đầy đủ và cố gắng đúng bữa nhất có thể luôn được cô gái này chú trọng. Ly không có thói quen ăn các món ăn nhanh bên ngoài và luôn bổ sung nước ấm cho cơ thể. Theo Ly, hàng ngày, mọi người nên cố gắng ăn uống lành mạnh và nên thu nạp những thực phẩm sạch, tốt cho cơ thể.

Giấc ngủ cũng được Ly chú trọng: “Cố gắng ngủ trước 23h hàng ngày, bởi nếu đi ngủ muộn thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc của ngày hôm sau. Nhiều bạn sinh viên có thói quen dùng điện thoại quá muộn. Điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và lâu dài sẽ xảy ra những tiêu cực cho sức khỏe.

Thay vì dùng điện thoại một cách vô bổ thì có thể nghe một bản nhạc nhẹ hoặc bài tiếng anh để giúp chúng ta thư giãn, chìm vào giấc ngủ sâu hơn”.

Trong thời gian dịch bệnh, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của nhân sự ngành y trong đời sống xã hội. Ở vai trò, vị trí nào thì những người thực hiện công tác y tế cũng đã, đang và còn vất vả rất nhiều khi dịch bệnh chưa kết thúc.

Ly chia sẻ: “Nếu có tâm huyết với nghề thì hãy cố gắng hết mình và tin tưởng bản thân sẽ làm được mặc dù có nhiều khó khăn. Thời gian sẽ không chờ đợi bất cứ ai cả, chính vì vậy khi cứu, chữa, giúp đỡ được một người cũng là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho chính minh.

Khẩu hiệu của khoa Điều dưỡng chúng em là ‘Chăm người bệnh như chăm người thân’ và em mong rằng tất cả các y, bác sỹ, nhân viên y tế, dù có khó khăn, vất vả cũng luôn luôn đặt người bệnh làm đầu, quyết tâm chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh”.

Cao Kim Anh - Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

In bài này  

Tin liên quan